Thấy mừng khi được chọn đóng phim kinh dị
* Lý do gì khiến anh nhận lời đóng vai chính trong phim kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn?
- Diễn viên Quang Tuấn: Vợ tôi là người đọc tiểu thuyết trước. Sau đó bà xã mới nói với tôi: “Truyện này hay quá, anh đọc đi”. Tôi đọc và bị cuốn theo thật sự. Tác giả Thảo Trang tuy còn trẻ nhưng viết rất bài bản. Khi đọc tiểu thuyết, tôi cũng hào hứng tìm hiểu những địa danh được nhắc đến trong tác phẩm.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn từng thuyết phục tôi: “Anh không hứa sẽ làm hay bằng những sêri của nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ; nhưng anh sẽ cố gắng làm mọi cách ở mức tiệm cận”. Tôi cảm thấy anh ấy rất tâm huyết, khi đã đọc tác phẩm tới 13 lần để nắm bắt được câu chuyện một cách rõ ràng.
* Anh chuẩn bị ra sao để hóa thân vai chính?
- Khi nhận kịch bản, biết mình đóng một bộ phim cổ trang, bối cảnh hoàn toàn xa lạ với cuộc sống hiện tại, tôi cũng khá lo lắng. Để vào vai ông Thập, tôi phải đọc một số tư liệu lịch sử, xem phim xưa để từ đó học cách đi lại, ăn nói, phong thái của người xưa. Trong phim, tôi đóng vai một vị trưởng làng, người duy nhất có thể đi từ làng xuống núi. Tôi đã phải đi bộ rất nhiều. Bạn đồng hành của tôi là một chú ngựa.
Tôi cũng đến điểm quay trước để tập đi lại cho thuần thục, vì nếu ngôn ngữ hình thể của diễn viên gượng gạo thì làm sao khán giả có được cảm xúc chân thực. Trong quá trình quay, tôi may mắn được một số người lớn tuổi chỉ cho cách ăn nói, đài từ sao cho chuẩn xác, đúng với cách người xưa dùng.
Vai một người “được chọn” như ông Thập, cái khó là mình phải lột tả được ánh mắt u uất, có lúc bất lực của nam chính khi phải đối diện với các thế lực thần bí gây ra nhiều tai họa. Là trưởng làng, nhưng không cứu được dân làng, phải nhìn họ chết dần, chết mòn là một cảm giác rất đau xót mà ông Thập phải chịu đựng liên tiếp.
Những lúc nhân vật đối diện với nỗi đau ấy, tôi cố gắng thể hiện qua ánh mắt, làm sao cho khán giả thấy được ông Thập lúc nào cũng là người chăm lo cho dân làng, và tìm mọi cách để cứu làng mình. Ánh mắt phải diễn tả được nhiều cảm xúc hoang mang, lo lắng, sợ hãi để khán giả cảm nhận được nỗi đau của nhân vật.
Vì nhân vật của tôi là tuyến trung tâm, nên yêu cầu diễn viên phải kết nối được với những bạn diễn khác. Có như vậy, khán giả mới cảm thấy giữa trưởng làng và người dân có sự gắn bó thực sự.
* Cảnh quay khó nhất của anh trong phim là gì?
- Có hai cảnh phim khiến tôi ấn tượng mãi. Đầu tiên là cảnh tôi đang thồ hàng, phải đi lên núi, xuống núi và bên mình lúc nào cũng có con ngựa đi theo. Đi mặt đường bằng phẳng thì dễ rồi, nhưng có những cảnh mình đi trên sườn núi, đạo diễn yêu cầu người và ngựa phải đi sát nhau để lấy hình cho đẹp. Con đường lúc đó rất hẹp, người và ngựa đều… sợ rớt. Cho nên “hai đứa” giành nhau đường đi. Kết quả là con ngựa sợ quá, phải đi lấn vào bên trong và đạp lên chân tôi. Lúc đó tôi rất sợ, lỡ ngón chân bị gãy, mà còn phải đi lại trên sườn núi thì việc diễn xuất sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Cảnh tôi phải đối đầu với Nguyên Thảo cũng khiến tôi nhớ mãi. Trong phân đoạn đó, tôi phải lột tả được sự hoang mang tột độ và giằng xé nội tâm rất nhiều. Phân cảnh ấy còn ám ảnh tôi tới bây giờ. Có lẽ Nguyên Thảo cũng đồng cảm được, nên vừa quay xong, Thảo cũng khóc không ngừng.
* Trong đoàn phim, anh có sự kết nối với bạn diễn nào nhất?
- Nguyên Thảo (vai vợ trưởng làng), nghệ sĩ Phú Đôn (vai lão ăn mày) và Tấn Phát (vai Tam Quỷ) là những người bạn diễn mà tôi tương tác nhiều nhất, vì đó là những người cùng đồng hành với nhân vật ông Thập để cứu làng.
Trong đoàn phim, mọi người vẫn hay gọi tôi là “Tuấn bựa, Tuấn quậy”. Tôi luôn giỡn với mọi người, không “tha” ai hết. Vì muốn dàn diễn viên có sự kết nối thật sự. Để khi lên phim, người xem cảm nhận được rằng: ở làng này, mọi người đã thân thiết với nhau từ lâu rồi. Qua cử chỉ, ánh mắt, cách nói chuyện giữa người với người phải thể hiện được sự gắn bó.
* Anh thường là lựa chọn của các đạo diễn phim kinh dị. Tại sao vậy?
- Điều đó khiến tôi vừa mừng vừa lo! Vì bạn bè đồng nghiệp, đạo diễn đã công nhận nỗ lực của mình, thì mình phải luôn cố gắng trau dồi bản thân, không làm cho mọi người thất vọng. Tôi không ngại việc tiếp tục thử sức ở thể loại kinh dị, muốn làm tốt nhất trong thể loại này, để cái tên Quang Tuấn luôn là sự lựa chọn đầu tiên của các đạo diễn phim kinh dị.
Một đạo diễn lớn từng đùa với tôi: “Vai nào khó có Quang Tuấn lo”. Có thể đạo diễn muốn khích lệ tôi, nên mới nói như vậy. Nhưng chắc chắn trong lòng họ cũng phần nào yên tâm với diễn xuất của tôi nên mới dùng câu nói đó để động viên.
Khi đến với nghề diễn, tôi đã xác định bản thân mình phải là một diễn viên thực lực. Cho nên tôi luôn cố gắng hoàn thiện mình sau mỗi vai diễn, luôn học hỏi những cô chú, anh chị đi trước. Tôi quan sát mọi người, từng hành động cụ thể trong đời sống.
Tôi biết mình vẫn chưa có nhiều vốn sống, nên luôn cố gắng giữ lại những trải nghiệm trong đầu. Vì tôi tin rằng: khi mình hết lòng với nghề, cố gắng trau dồi diễn xuất, thì một lúc nào đó, những nỗ lực sẽ thể hiện lên phim.
Linh Phi là một người vợ rất tuyệt vời
* Anh có những nỗ lực gì để không "chết vai"?
- Nỗ lực để không chết vai nằm ở nội lực và đam mê diễn xuất của diễn viên. Đối với tôi, mỗi vai diễn không chỉ là một cơ hội để cống nghệ thuật, mà còn là một trải nghiệm mới.
Tôi thích thử sức bản thân trong các vai diễn khác nhau bởi đó là cơ hội hiếm hoi để sống một cuộc đời mới, trải nghiệm cuộc sống và tình huống mới mẻ. Điều này giống như việc leo núi, đòi hỏi kiên nhẫn và nỗ lực, nhưng khi vượt qua thử thách sẽ cảm thấy thật hạnh phúc.
Mỗi vai diễn mang đến cho tôi một trải nghiệm. Giống như trong cuộc sống, không ai giống ai từ điểm xuất phát. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều có tiềm năng để vươn lên và theo đuổi ước mơ của họ.
Khán giả là người xem, họ bỏ tiền ra để thưởng thức tác phẩm. Họ đánh giá đúng thì mình phải lắng nghe, sửa đổi. Đôi khi, nhiều khán giả nói ánh mắt của tôi khi nhập vai rất có hồn, và tôi rất vui khi nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.
* Gần nhất, anh gây tiếng vang trongTro tàn rực rỡ? Tại sao anh không tiếp tục theo đuổi các phim nghệ thuật tương tự?
- Người trong nghề đều biết tôi đam mê diễn xuất. Tôi rất vui khi nhận được kịch bản phim nghệ thuật. Thực sự kịch bản phim nghệ thuật giờ rất ít, thị trường hầu hết đều là phim thương mại. Phim nghệ thuật rất ít đạo diễn làm, khi làm họ phải chờ vốn đầu tư, chờ nguồn tài trợ.
Tro tàn rực rỡlà một may mắn với tôi, khi những nỗ lực của mình được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thấy và công nhận. Phim được ra nước ngoài, đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục ở Pháp, đó là niềm vui và hãnh diện trong cuộc đời làm nghề của tôi.
Nếu được mời đóng phim nghệ thuật thì tôi luôn sẵn sàng. Mặc dù phim nghệ thuật kinh phí thấp, nhưng tôi luôn chiều chuộng đam mê của mình. Sắp tới, tôi sẽ tham gia một bộ phim nghệ thuật mới, nhưng xin phép chưa tiết lộ thông tin.
* Đóng phim xa nhà, làm thế nào anh có thể đảm bảo chăm sóc gia đình?
- Những thứ liên quan tới công việc diễn xuất, tôi đều tự lo và cảm thấy thoải mái khi chủ động làm tốt vai trò của mình. Còn chuyện ở nhà, vợ tôi đảm đương hết. Những lúc rảnh rỗi, tôi cố gắng phụ vợ việc nhà, cùng cô ấy chăm con.
Để bù đắp cho vợ con những lúc tôi vắng nhà, tôi thường dẫn hai mẹ con đi ăn uống khi có thời gian, đi du lịch để hâm nóng tình cảm gia đình. Tôi cảm thấy may mắn khi có hậu phương vững chắc. Linh Phi là một người vợ rất tuyệt vời, cô ấy khiến tôi an tâm để dành sức cho nghệ thuật.
Bên cạnh đó, con của tôi luôn ủng hộ ba, thường hỏi thăm ba khỏe không, khi nào ba về. Những lần đi xa, tôi thường gọi về nhà để nói chuyện với con, hỏi thăm xem ở nhà có chuyện gì không. Dù không ở bên vợ con, nhưng tôi muốn họ cảm nhận được sự quan tâm mà tôi dành cho gia đình.