Các nhà vật lý học đã tính toán được tốc độ xoay của siêu hố đen Sgr A* của Dải Ngân hà nhờ vào Đài thiên văn tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Cụ thể, nhà vật lý học Ruth A. Daly của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và đồng sự phát hiện vận tốc xoay của Sgr A* dao động từ 0,84 đến 0,96, tiếp cận ngưỡng giới hạn của tốc độ.
"Việc phát hiện Sgr A* đang xoay với tốc độ tối đa mang đến ý nghĩa to lớn cho sự hiểu biết của chúng tôi về sự hình thành hố đen và những quy trình vật lý thiên văn liên quan đến những thiên thể đầy hấp dẫn này của vũ trụ", trang Live Science dẫn lời chuyên gia Xavier Calmet, nhà vật lý lý thuyết của Đại học Sussex (Anh) và không tham dự vào cuộc nghiên cứu trên.
Sự xoay của hố đen khác với những thiên thể còn lại của vũ trụ. Trong khi hành tinh, sao và tiểu hành tinh là những thiên thể rắn với các bề mặt vật lý, hố đen là những vùng không gian-thời gian được ràng buộc với nhau bằng bề mặt phi vật lý gọi là "chân trời sự kiện", ngưỡng mà không có ánh sáng nào có thể thoát khỏi.
"Trong khi sự xoay của hành tinh hoặc sao phụ thuộc vào sự phân phối của khối lượng thiên thể, sự xoay của hố đen tùy thuộc vào động lượng góc", ông Calmet giải thích.
"Do ảnh hưởng của lực hấp dẫn khủng khiếp gần hố đen, quá trình xoay khiến không gian-thời gian bị bẻ cong và xoắn lại. Hiệu ứng này chỉ có trong trường hợp hố đen và không xuất hiện trong trường hợp các hành tinh và sao", theo chuyên gia Anh.
Điều này có nghĩa là khi xoay, siêu hố đen Sgr A* trên thực tế vặn xoắn kết cấu của không gian-thời gian và kéo chúng theo trên cuộc hành trình. Trong quá trình này, siêu hố đen "nhào nặn" nên khu vực trung tâm của Dải Ngân hà.