Lần đầu tiên kể từ tháng 12.2018,ạihạngAnhhấpdẫnkhiManCitykhôngcònlàthếlựcđánggờworld cup 22 Man.City thua liền 2 trận ở giải Ngoại hạng. Còn nếu tính cả trận thua Newcastle (và bị loại) ở Cúp Liên đoàn thì thầy trò HLV Pep Guardiola đã thua 3 trận liên tiếp ở đấu trường quốc nội. Đấy là điều rất khó hình dung. Đối thủ tiếp theo của Man.City ở giải Ngoại hạng là "ngựa ô" Brighton, luôn sẵn sàng gây bất ngờ trước các "đại gia". Tiếp theo đó sẽ là trận derby Manchester. Đội bóng của Guardiola mà thua nữa, sẽ xuất hiện đề tài "khủng hoảng" trên mặt báo chứ chẳng chơi!
Trong môn bóng đá, người ta vẫn hay chứng kiến những chuỗi trận kỳ lạ như vậy (một đội mạnh có thể bất ngờ thua liên tiếp hoặc một đội bóng nhỏ bất ngờ thắng như chẻ tre). Cũng có thể chẳng cần lý giải về mặt chuyên môn, bóng đá là như vậy. Nhưng ở đây, ít nhất cũng có những số liệu thống kê gắn chặt với chuỗi trận thua khiến Man.City rơi xuống vị trí số 3. Và đấy lại là những điều làm giới hâm mộ nói chung ở giải Ngoại hạng… hào hứng. Ngoại hạng Anh mùa này có thể không còn là màn độc diễn của Man.City vô đối nữa?
Cú sút như nã đạn vào cuối trận của Gabriel Martinelli, trúng mặt Nathan Ake rồi đổi hướng bay vào khung thành Ederson, là chi tiết cho thấy trong bóng đá đỉnh cao đôi khi toàn bộ kết quả được quyết định bởi một chi tiết thật nhỏ nhoi, đậm tính may rủi. Arsenal vừa thắng Man.City trong một trận đấu như vậy. Vấn đề ở đây là, cho dù may mắn, Arsenal vẫn xứng đáng lấy trọn 3 điểm, trong một thế trận mà bên nào cũng có thể thắng. Trận đấu rất chặt chẽ và cân bằng, rất đúng với ý đồ của… mọi đối thủ khi gặp Man.City. Chỉ cần bấy nhiêu cũng đã là trái ngược với đặc điểm của một đội bóng do Guardiola dẫn dắt rồi. Xưa nay, chỉ thấy Man.City "đá để thắng". Họ có thể bất ngờ vấp ngã, chứ không có một Man.City không biết phải làm sao để thắng.
Arsenal biết cách vô hiệu hóa những điểm mạnh sở trường của Man.City. Ngay trước khi mùa bóng mới khai diễn, Arsenal cũng đã thủ hòa và thắng Man.City bằng loạt sút luân lưu 11 m ở trận "siêu cúp Anh" không chính thức. Bằng con đường chiến thuật, dĩ nhiên. Câu hỏi đặt ra: Arsenal làm được như thế, thì các đội khác cũng sẽ làm được?
Lần đầu tiên trong kỷ nguyên Guardiola, Man.City chỉ xoay xở được 4 pha bắn phá, với đúng 1 lần dứt điểm chính xác trong suốt trận đấu. Chỉ số xG (bàn thắng được chờ đợi) cho cây làm bàn khét tiếng Erling Haaland trong trận gặp Arsenal là 0,00. Đấy chính là những số liệu "phản Man.City" nhất. Trước mắt, người ta nhìn vào sự thiếu vắng (vì bị treo giò) của Rodri để giải thích chuỗi 3 trận thua vừa qua. Rodri luôn xuất sắc ở trục giữa và khi anh vắng bóng thì Man.City coi như thiếu đi mắt xích quan trọng nhất trong cả hệ thống chiến thuật. Nhưng cũng có thể phản biện: làm sao Guardiola có thể phụ thuộc vào một cầu thủ? Xưa nay chưa bao giờ là như vậy, người quan trọng nhất ở Man.City luôn là… Guardiola. Vả lại, nguyên nhân lớn khiến Man.City thắng lớn trong mùa bóng trước chính là khả năng thay đổi lối chơi, muốn đá theo kiểu tiki-taka hiện đại hay chuyền dài, phòng thủ - phản công đều được.
Câu chuyện ở đây là "Arsenal thắng", chứ không bao giờ là "Man.City tự thua". Trước đó, Man.City sút bóng những 23 lần nhưng vẫn thua một Wolverhampton ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Và họ thua Newcastle ngay rào cản đầu tiên ở Cúp Liên đoàn. Các đội bóng hoàn toàn khác nhau đã liên tiếp thắng Man.City ở các giải đấu khác nhau. Điều gì đang xảy ra thì đấy là vấn đề của Guardiola (và, xin nhắc lại, may cho ông là đấu trường CLB đang tạm nghỉ). Nhưng với khán giả trung lập thì Ngoại hạng Anh bỗng trở nên quá hào hứng với 4 đội dẫn đầu chỉ đang cách nhau nhiều nhất 3 điểm.