Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định du học
IDP ngày 11.10 công bố báo cáo "Emerging Futures 4" (Nghiên cứu về tương lai phiên bản thứ 4) được thực hiện từ 19.7 đến 21.8 với sự tham gia khảo sát của hơn 10.000 du học sinh tiềm năng, đã ứng tuyển, đang học và đã tốt nghiệp đến từ 98 quốc gia. Nghiên cứu tập trung vào các thị trường du học nói tiếng Anh phổ biến là Mỹ, Úc, Canada, Anh và New Zealand.
Kết quả khảo sát cho thấy, Úc và Canada dẫn đầu về lựa chọn du học với tỷ lệ đều ở mức 25%. Điều này đồng nghĩa cứ 4 sinh viên quốc tế, sẽ có 1 người chọn Úc hoặc Canada làm điểm đến đầu tiên khi quyết định "cất cánh" du học. Những quốc gia xếp sau lần lượt là Anh (22%), Mỹ (19%) và New Zealand (4%).
Cũng theo dữ liệu nghiên cứu, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến của du học sinh, gồm giáo dục chất lượng cao (chiếm tỷ lệ cao nhất là 62%); cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp (47%); môi trường an toàn với sinh viên quốc tế (45%); hỗ trợ sinh viên quốc tế (43%); cơ sở giáo dục thu hút (40%); đất nước chào đón người nước ngoài (40%).
Trong đó, Mỹ dẫn đầu về chất lượng giáo dục còn New Zealand ở vị trí cuối trong 5 quốc gia được xếp hạng. Mặt khác, Canada đứng nhất về chính sách thị thực sau khi tốt nghiệp, xếp sau là Úc, cuối cùng là Mỹ. Úc được sinh viên quốc tế đánh giá là có nhiều cơ hội việc làm nhất sau khi tốt nghiệp, đồng hạng 2 là Mỹ và Canada trong khi đó Anh bị xem là có ít cơ hội nhất.
Lý giải về ngôi đầu của Úc về cơ hội làm việc, bà Catriona Jackson, Giám đốc điều hành Universities Australia, cho biết quốc gia này đang cần nhiều sinh viên quốc tế hơn trước để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra ở mọi mặt của nền kinh tế. "Chính phủ Úc cần có thêm chính sách nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhân tài hơn nữa ở lại Úc", bà Jackson nói với trang The PIE News.
Ông Simon Emmett, Giám đốc điều hành IDP Connect, thì nhìn nhận kết quả khảo sát cảnh báo các quốc gia không nên chỉ dựa vào các bảng xếp hạng ĐH thế giới để thu hút tuyển sinh. "Những thay đổi về chính sách, sự chuyển dịch năng động của các tổ chức giáo dục hay tình hình kinh tế toàn cầu đều có thể tác động đến thứ hạng các quốc gia. Sự cạnh tranh toàn cầu giữa những điểm đến du học vẫn ở mức cao và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là một trong những động lực quan trọng", ông Emmett cho hay.
"Chân dung" du học sinh Việt
Hồi tháng 9, IDP cũng công bố báo cáo về "chân dung" sinh viên quốc tế của một số thị trường nguồn (source market) phát triển, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, người Việt được cho là không xem khoảng cách hay vị trí địa lý là rào cản khi lựa chọn điểm đến du học, đồng thời mong muốn tiếp cận nền giáo dục tốt nhất, với 72% cho biết nhân tố "chất lượng giáo dục cao" là lý do khiến họ "chốt" điểm đến du học đầu tiên.
Mặt khác, vấn đề an ninh cũng là mối quan tâm lớn đối với du học sinh Việt, thể hiện qua việc 55% người học ưu tiên quốc gia có môi trường an toàn với sinh viên quốc tế. Chưa kể, các yếu tố như có chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế và chào đón người nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ cao, lần lượt là 50% và 49%. Điều này khác hoàn toàn so với Trung Quốc hay Philippines vốn cân nhắc nhiều hơn đến cơ hội việc làm.
Về tình hình tài chính, 42% du học sinh Việt cho biết học bổng sẽ tài trợ việc học của họ, trong khi 32% còn lại phải tự túc một phần chi phí học tập. Nguồn tài chính từ phụ huynh cũng đóng vai trò đáng kể. Song, ngân sách cao, gồm học phí và sinh hoạt phí, vẫn là thách thức lớn nhất đối với du học sinh Việt, theo bà Trương Thị Mai Phương, đại diện IDP Việt Nam.
"Vì thế, người Việt chủ yếu tìm học bổng để giải quyết những thách thức này, nhất là giảm học phí", bà Phương cho hay.
Theo IDP, để thu hút du học sinh Việt, các tổ chức giáo dục có thể cần cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ tài chính cũng như bổ sung nhiều loại học bổng hơn trong chiến lược tuyển sinh của mình. Bởi lẽ, nhiều người học Việt Nam chia sẻ rằng sẽ chọn tổ chức giáo dục nào trao học bổng hoặc trợ cấp có giá trị tốt nhất.