Sáng 22.10, Tổ chức giáo dục Mỹ AEG tổ chức hội thảo du học Mỹ về chủ đề hành trang và chi phí. Trao đổi với Thanh Niênbên lề sự kiện, bà Khuất Khải Hoàn, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục Mỹ AEG, thông tin thêm về cơ hội học bổng, hỗ trợ tài chính ở xứ sở cờ hoa trong năm 2024.
ĐH Mỹ gặp khó về tài chính?
Theo bà Hoàn, cách đây 2 năm, sinh viên quốc tế đã ồ ạt trở lại các trường ĐH Mỹ sau khi quốc gia này nới lỏng các quy định nhập cảnh hậu Covid-19. Thực tế này khiến tỷ lệ trúng tuyển vào nhiều ĐH Mỹ ở mức thấp vì có rất nhiều hồ sơ nộp vào nhưng chỉ tiêu của trường lại giới hạn ở mức nhất định, gây không ít khó khăn cho du học sinh Việt.
"Đến năm nay, du học sinh Việt đối mặt với một khó khác là số sinh viên quốc tế đến Mỹ giảm khoảng 1 triệu người, dẫn đến việc các trường ĐH không còn dư dả tài chính như xưa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến số học bổng, mức hỗ trợ tài chính và điều kiện xét tuyển khi nhiều trường thay đổi chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính đối với sinh viên quốc tế, có trường giảm đến một nửa", bà Hoàn cho hay.
Bà Hoàn cũng thông tin, để nhận được hỗ trợ tài chính từ những trường chất lượng tốt, phụ huynh nên đáp ứng khả năng tài chính ở mức 40.000-45.000 USD/năm (981 triệu-1,1 tỉ đồng), gồm học phí và sinh hoạt phí cho con. Song, cũng có những trường ở các bang ít dân cư như Alabama, Kentucky yêu cầu khả năng tài chính thấp hơn vì mức học phí của các trường này cũng thấp hơn trung bình.
Không chỉ cho rằng số du học sinh Việt đến Mỹ giảm rõ rệt, bà Hoàn cũng chỉ ra một thực tế khác là sự "quá tải" thông tin và quảng cáo, khiến tỷ lệ phụ huynh, học sinh thực sự hiểu về trường và cách đầu tư du học hiệu quả chỉ ở mức thấp.
Phân biệt học bổng và hỗ trợ tài chính
Tại sự kiện, bà Khuất Khải Hoàn cũng chỉ ra sự khác biệt giữa học bổng và hỗ trợ tài chính. Theo đó, học bổng (merit-based scholarship) được cấp dựa trên thành tích học tập của học sinh cũng như nhiều yếu tố khác như hoạt động ngoại khóa, khả năng lãnh đạo... Học bổng có thể được cấp trong một năm hoặc toàn thời gian học tại trường với điều kiện học sinh phải đáp ứng được các yêu cầu về thành tích học tập.
"Hồ sơ ứng tuyển học bổng gồm điểm số (điểm trung bình trên lớp, các chứng chỉ thi chuẩn hóa như SAT, điểm năng lực tiếng Anh như IELTS, TOEFL..) và các thành phần yếu tố cá nhân (bài luận, thư giới thiệu, thành tích hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn nhà trường...). Đối với học bổng, học sinh sẽ được tự động đánh giá và cấp nếu đủ điều kiện, không cần phải điền thêm mẫu riêng như hỗ trợ tài chính", bà Hoàn thông tin.
Còn hỗ trợ tài chính (financial aid) được cấp dựa vào khả năng tài chính của gia đình học sinh trong suốt thời gian học sinh học tại trường. Trong hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, ngoài các giấy tờ chứng minh năng lực học tập của học sinh còn phải có các giấy tờ chứng minh thu nhập của bố mẹ, chứng minh tài khoản tiết kiệm ngân hàng và điền các mẫu riêng tùy yêu cầu của từng trường.
"Ở hệ phổ thông trung học, các trường Mỹ không có học bổng, và việc có hỗ trợ tài chính hay không cũng tùy từng trường. Đến hệ ĐH, các trường đều có cả học bổng lẫn hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, riêng với hỗ trợ tài chính, hầu hết trường tư thục sẽ có còn trường công lập lại không vì họ dành nguồn ngân sách này cho sinh viên bản địa", chuyên gia du học cho hay.
Có trên 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, bà Hoàn nhận định 2 yếu tố "mấu chốt" giúp học sinh tăng khả năng cạnh tranh học bổng, hỗ trợ tài chính là bài luận do các bạn tự viết và thư giới thiệu từ giáo viên.
"Một thư giới thiệu tốt phải đánh giá được tính cách, thái độ, mối quan hệ trên lớp, tính cộng đồng và khả năng làm việc nhóm của học sinh. Đây là thử thách khó nhằn với nhiều giáo viên, đặc biệt là các thầy cô ở trường công. Mặt khác, một bài luận hay phải thể hiện được học sinh là ai, có toàn diện hay không. Song, có những đơn vị tư vấn lại 'thò bút' trực tiếp sửa bài, hay thậm chí viết thay học sinh. Đây là trường hợp gian lận và nếu bị phát hiện, trường sẽ từ chối tuyển sinh", bà Hoàn cảnh báo.