Muôn cách "đốt cháy" calo
Với Nguyễn Lưu Bảo Ngân (22 tuổi), nhân viên marketing tại một công ty vật liệu xây dựng ở Q.4, TP.HCM, việc ngồi cố định một chỗ 8 tiếng đồng hồ/ngày dễ khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái ì ạch. Hơn nữa, vì khối lượng dự án chồng chất, Ngân còn tăng ca đến 4 ngày/tuần trong thời gian gần đây.
"Ngoài ra, do tính chất công việc cần đi hiện trường, có lần mình phải ngồi trên xe ô tô liên tục 12-13 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, vì các cửa hàng vật liệu thường có nhiều cát bụi, sức khỏe mình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng", Ngân kể thêm và cho rằng đây là lý do để bản thân tăng cường sức đề kháng bằng việc chơi cầu lông 3 ngày/tuần.
Với Ngân, 2 tiếng đồng hồ "đốt cháy" calo trên sân cầu lông còn là cách để cô nàng kết nối với mọi người. Vì vậy, Ngân luôn chủ động xếp lịch chơi với bạn bè, đồng nghiệp để giữ được trạng thái tinh thần phấn chấn nơi công sở. "Chẳng hạn, khi đã biết sẽ chơi cầu lông vào thứ tư trong tuần thì trước đó 2 ngày, mình đã hào hứng ngồi vào bàn làm việc vì nóng lòng chờ đến cuộc hẹn", Ngân giải thích.
Tương tự, Huỳnh Trọng Nhân (23 tuổi), kỹ sư phần mềm tại một công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết kế ở Q.11, TP.HCM cũng chọn bóng đá để nâng cao sức khỏe sau một tuần làm việc mệt nhoài. Theo lời kể, vì có những dự án "ngốn" đến vài năm, việc tăng ca liên tục với Nhân đã thành lẽ thường. Điều này đã gây ra cho Nhân những tình trạng như thị lực kém, thừa cân, mỏi cổ vai gáy.
"Với mình, chơi bóng đá khiến tinh thần sảng khoái hơn rất nhiều. Ngoài ra, bộ môn thể thao này đòi hỏi cường độ cao nên cơ thể mình sẽ có thêm nhiều năng lượng, từ đó làm việc cũng hiệu quả hơn", Nhân nói.
Về phía Đặng Đình Thịnh (24 tuổi), hiện làm việc tại một công ty sản xuất vật liệu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chàng trai này lại chọn cách rèn luyện sức bền trong phòng tập thể hình. Thịnh chia sẻ: "Thời gian đầu tập gym, mình thực hiện sai tư thế nên cơ thể bị mỏi cơ, đau khớp liên tục. Hơn nữa, thể lực của mình cũng kém do ít chơi thể thao. Tuy nhiên, việc phải trả góp cho gói tập 1 năm là lý do khiến mình không thể từ bỏ".
Kết quả, sau 3 tháng đầu tập luyện, Thịnh thừa nhận bản thân đã giảm bớt tình trạng đau lưng, ít bệnh vặt. Đặc biệt, bộ môn này đã hỗ trợ cho Thịnh rất nhiều trong việc phục hồi sức khỏe hậu Covid-19. "Không chỉ giúp trí não trở nên minh mẫn, việc tập gym còn khiến cho mình luôn tỉnh táo kể cả khi ngồi lì trên xe đưa rước của công ty đến chỗ làm trong 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày", Thịnh cho biết thêm.
Nỗ lực tìm niềm vui sống
Không những là trưởng nhóm trong bộ phận của mình, Đặng Châu Anh (22 tuổi), chuyên viên marketing tại một công ty thuộc lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số ở Q.1, TP.HCM, còn ôm đồm thêm nhiều công việc freelance khác. Điều này từng khiến cô nàng kiệt sức trong một khoảng thời gian dài.
"Lúc bấy giờ, cứ sau khi tan làm về nhà là mình lại lao thẳng vào giường ngủ và bỏ cả bữa tối. Xót xa cho con, mẹ đã lên tiếng cảnh báo về sức khỏe của mình", Châu Anh nhớ lại và khẳng định bản thân cần tìm cách xốc lại tinh thần.
Nghĩ vậy, sau 1 năm bước chân vào thị trường lao động, Châu Anh đã đăng ký tập yoga tại một trung tâm thể hình ở Q.Tân Phú với tần suất 4 buổi/tuần. Châu Anh cho hay: "Tuy việc tập yoga sẽ khiến mình ít có thời gian gặp gỡ bạn bè nhưng đổi lại, được tái tạo năng lượng và có một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, hiệu suất công việc từ đó cũng tăng lên". Châu Anh bật mí, cô nàng còn hạn chế ăn vặt, uống trà sữa để giữ gìn lối sống khoa học.
Giống như Châu Anh, T.T.D.A (22 tuổi), điều phối viên marketing tại một công ty thuộc lĩnh vực cung ứng và quản lý nguồn lao động ở TP.Hà Nội đã gắn bó với bộ môn yoga từ khi còn là sinh viên. Hiện D.A vẫn tập yoga đều đặn 5 buổi/tuần từ 5 - 6 giờ sáng.
"Công ty của mình chuẩn bị bước vào quý cuối cùng nên có rất nhiều việc phải xử lý và điều này càng khiến bản thân mệt mỏi. Hơn nữa, vì Hà Nội đang trong mùa lạnh nên mình dễ bị cảm, sốt. Do đó, chỉ có tập yoga mới giúp mình tăng cường hệ miễn dịch. Bộ môn này cũng khiến mình không còn đau lưng, say xe và hạn chế được tình trạng mất ngủ", D.A thổ lộ.
D.A cho biết từ khi theo đuổi bộ môn yoga, bản thân cô nàng đã có thêm nhiều mối quan hệ cũng như có những chuyển biến tích cực trong thế giới quan. Nhờ đó, D.A luôn tìm thấy niềm vui trong công việc lẫn đời sống thường ngày.
"Xanh hóa" nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe
Theo Nguyễn Phúc Tường Vi (22 tuổi), nhân viên PR tại Tập đoàn CT Group, việc công ty thiết kế văn phòng "xanh" cũng là cách để người lao động nâng cao sức khỏe. Cụ thể, cơ quan cần xây dựng không gian làm việc mở để mọi người dễ dàng tương tác với nhau. Bên cạnh đó, nên trang trí cây xanh hoặc tiểu cảnh trên bàn làm việc vì thiên nhiên sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo.
"Đồng thời, cơ quan có thể thiết kế nhà vệ sinh không quá gần vị trí nhân viên để khuyến khích họ di chuyển nhẹ trong giờ làm việc. Đối với thang cuốn, cơ quan nên hạn chế mở thang để kích thích tinh thần thể dục của nhân viên", Vi đề xuất thêm.
Đồng tình với Vi, bác sĩ Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 22-12 (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) còn chia sẻ về một số phương pháp giúp nhân viên cải thiện sức khỏe tại nơi làm việc khi họ không có nhiều thời gian vận động, cụ thể: giữ laptop cao ngang tầm mắt để không cúi đầu liên tục; cứ cách 45 phút lại đứng dậy đi rót nước thay vì ngồi suốt một chỗ; thực hiện một số động tác giãn cơ; ăn trái cây tươi, uống nước ép, sinh tố. "Những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt này sẽ là thứ giúp bản thân có sự thay đổi rõ rệt theo từng ngày", bác sĩ Trang khẳng định.