* Thời gian qua AI (trí tuệ nhân tạo) là một đề tài rất “hot" và được nhắc đến thường xuyên. Chúng ta đều biết rằng AI được sinh ra để phục vụ con người, nhưng công nghệ này đang quá thông minh và không phải người dùng nào cũng có thể tiếp cận, thuần thục việc thao tác cùng trí tuệ nhân tạo. Ông đánh giá sao về thực tế này?
- Ông Vũ Anh Tú: Trí tuệ nhân tạo là công nghệ tiếp theo của nhiều công nghệ khác nhau đang tồn tại. Lấy ví dụ trước khi máy dệt chưa ra đời, công nhân dệt là lực lượng vô cùng quan trọng, nhưng khi có máy móc làm đỡ cho phần việc, thì bản thân người công nhân sẽ phải nâng cấp mình lên trình độ cao hơn, thay vì dệt thì có thể là quản lý, thiết kế hoặc làm các công việc khác.
Giờ đây khi AI ra đời cũng thế, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế rất nhiều công việc trước đây con người phải làm, đặc biệt là những thứ lặp đi lặp lại. Tôi cho rằng sự xuất hiện của AI cũng như các công nghệ trước đây, sẽ thay thế con người ở một số vai trò. Vì vậy, bản thân mọi người đều phải học cách làm việc với AI. Giống như chúng ta làm việc với máy tính thì giờ đây sẽ là làm việc cùng với cả AI và máy tính. Nói cách khác, con người sẽ phải học cách để nâng cấp bản thân để biết cách sử dụng AI vào các công việc khác nhau, từ đó tập trung vào giải quyết vấn đề khác, tạo ra năng suất, hiệu quả hơn.
* Theo ông, khi nào và làm sao có thể phổ cập AI cho người dùng phổ thông để giúp họ “tự nâng cấp" trong thời kỳ phát triển mới?
- Các hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức, viện nghiên cứu AI quốc tế với Việt Nam hiện nay hướng đến mục tiêu đưa ra loạt chương trình về AI đến các tập người dùng khác nhau, từ cấp tiểu học tới đại học để tiếp cận và học cách làm việc cùng với trí tuệ nhân tạo. Bản thân FPT cũng có chiến lược tập trung vào đào tạo AI, ví dụ chương trình dành cho lãnh đạo của các đơn vị thành viên để họ tự tìm hiểu, khai phá tiềm năng AI có thể mang lại cho doanh nghiệp mình đang quản lý, để từ đó tối ưu quy trình, hoạt động, gia tăng năng suất lao động nội bộ. AI đang là chủ đề quan trọng mà từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải đi học để biết cách làm việc với AI bởi trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống và đồng hành cùng mọi người, mà đôi khi có thể không nhận ra.
* Tại FPT Techday 2023 vừa diễn ra, AI là một trong những chủ đề “nóng" nhất. Vậy FPT đã xây dựng chiến lược AI với mục tiêu cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đối với AI, FPT xác định là mũi nhọn trong công nghệ của tập đoàn. Sự kiện quan trọng mới đây của chúng tôi là ra mắt mô hình AI tạo sinh cho ngôn ngữ tiếng Việt được xây dựng bởi FPT Smart Cloud - một trong các công ty thành viên của FPT, và đây sẽ là nền tảng để xây dựng AI trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính - ngân hàng, kinh tế, giáo dục, y tế, thương mại… Tiếp đó, tại FPT Techday 2023, tập đoàn ký kết hợp tác với Landing AI, doanh nghiệp sáng lập bởi Andrew Ng, người dẫn dắt ngành công nghiệp AI trong lĩnh vực thị giác máy tính, mảng hứa hẹn quy mô lớn hơn lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ dành nguồn lực cho phát triển thị giác máy tính. Thực tế FPT cùng Landing AI đã cung cấp giải pháp cho một số nhà máy sản xuất ô tô tại thị trường Bắc Mỹ.
* Chúng ta đã nói rất nhiều về lợi ích của trí tuệ nhân tạo. Là một chuyên gia về công nghệ, ông nhìn nhận sao về những mặt trái và rủi ro tiềm ẩn của công nghệ này?
- Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt, tạo ra nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ công nghệ phát triển mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng song song với đó là thực trạng trẻ em dành quá nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại, mạng xã hội - là những thứ không tốt, mặt trái của công nghệ. Trong mặt trái ấy có vấn đề tương đối nghiêm trọng là các nội dung AI đưa cho con người mà trí tuệ nhân tạo tự cho phù hợp nhất. Nội dung này được huấn luyện dựa trên sở thích của người dùng hay từ người sáng tạo nội dung muốn thúc đẩy vấn đề đó. Từ đấy con người có thể sa vào cái bẫy của nội dung một chiều, thiếu khách quan, mang đến những quan điểm sai lầm, lệch lạc.