Sáng nay 25.10,ươngtrungtâmdữliệulớnnhấtViệxs tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức khai trương Trung tâm Dữ liệu (IDC) Hòa Lạc lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Đây là trung tâm thứ 8 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks.
IDC Hoà Lạc đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế (TCDD), xây dựng lắp đặt (TCCF) và sắp tới sẽ là chứng chỉ về vận hành (TCOS). Các thiết bị trong IDC được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7 như Cumin, Hitachi, Siemens…
Ngoài ra, trung tâm này có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2 Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5 Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế, nhờ vào lợi thế là nhà mạng viễn thông hàng đầu Việt Nam của VNPT.
VNPT IDC Hòa Lạc còn được trang bị dự phòng N+1 đảm bảo vận hành an toàn và liên tục ngay cả khi thực hiện sửa chữa, bảo trì, giúp dịch vụ của khách hàng luôn được liên tục, ổn định và không gặp bất kỳ gián đoạn nào.
Đặc biệt, hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất và luôn được hỗ trợ 24/7.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT, cho biết cùng với IDC Hòa Lạc, VNPT đang sở hữu 8 IDC hiện diện tại các tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tất cả các IDC đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế.
Trong đó, IDC Hòa Lạc là lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam. "IDC Hòa Lạc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn khắt khe nhất của thế giới và Việt Nam sẽ góp phần mang lại hệ sinh thái hạ tầng số hoàn chỉnh cho khách hàng, đối tác của VNPT; hướng đến mỗi dịch vụ được cung cấp đều được cá thể hóa theo nhu cầu, gói dịch vụ phù hợp với từng khách hàng", ông Liêm cho biết.
Mỗi năm Việt Nam phải khánh thành ít nhất 5 IDC
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Hạ tầng dữ liệu là bộ phận quan trọng nhất của hạ tầng số. Cứ mỗi 3 năm, dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn, hiện trên cả nước có 39 IDC loại vừa và nhỏ. Mỗi năm chúng ta phải khánh thành ít nhất 5 trung tâm như thế này thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu VNPT trong thời gian tới tiếp tục xây dựng các IDC lớn, ngang tầm quốc tế, là nhà cung cấp hạ tầng số đáp ứng được các nhu cầu của Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số; để các doanh nghiệp Việt Nam không còn lo lắng tìm kiếm nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu ở bên ngoài Việt Nam, cũng như thu hút được các khách hàng trên toàn cầu.
Bộ TT-TT kêu gọi các doanh nghiệp hãy "trở về nhà mình", sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bộ TT-TT khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp... thay vì tự đầu tư vận hành các IDC, hệ thống công nghệ thông tin, hãy chuyển sang sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp sẽ hiệu quả hơn về chi phí, tối ưu về hiệu suất và an toàn, linh hoạt hơn, góp phần phát triển công nghệ số nước nhà.
Dự kiến trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các IDC mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững, hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành Digital Hub của khu vực.
Trong chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data Center.