Đây là quy chuẩn vô cùng quan trọng, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có; trong đó sẽ quy định rõ các quy chuẩn về trạm dừng nghỉ trên cao tốc.
"Bộ GTVT đã quy hoạch các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc và triển khai tương đối bài bản; đồng thời áp dụng các mô hình kết hợp trạm dừng nghỉ, trạm xăng, mua sắm, ăn uống đồng bộ", ông Thắng nêu.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam đều quy hoạch theo cặp (2 bên đường), đảm bảo cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, các tuyến cao tốc đều sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo chuẩn đường cao tốc Việt Nam phải như quốc tế.
"Như hiện nay, thẳng thắn thừa nhận với các đại biểu là chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, nếu số lượng đường cao tốc tăng cao, với cách quản lý như hiện nay mà không có công nghệ thông tin sẽ không đáp ứng được yêu cầu", Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Dù vậy, theo ông Thắng, những vấn đề này đều đòi hỏi phải có thời gian. Đặc biệt, vấn đề hoàn thiện hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch vẫn chưa đạt do ngân sách có hạn. Đây là lý do hiện nay quy hoạch nhiều tuyến cao tốc, nhưng có một số tuyến, đoạn cao tốc chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô (cao tốc 2 làn xe).
"Về phía Bộ GTVT, chúng tôi cũng sẽ cố gắng để làm sao xây dựng tuyến cao tốc đạt chuẩn như cao tốc của các nước hiện đại", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiều tuyến cao tốc đã đi vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Ông cũng dẫn lại mô hình trạm dừng nghỉ của các nước như Hàn Quốc, do Nhà nước và tư nhân làm.
Trong đó, trạm dừng nghỉ do tư nhân làm có cả khu mua sắm, quà lưu niệm, ăn uống nghỉ ngơi; đồng thời, quảng bá văn hóa của địa phương, tạo thành khu kinh doanh hiệu quả. Đại biểu Cảnh đề xuất Bộ GTVT tham khảo và triển khai tại các dự án cao tốc hiện nay.
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ GTVT cho biết, qua khảo sát toàn bộ các tuyến cao tốc và đoạn La Sơn - Cam Lộ đang khai thác, sử dụng, đã phát hiện 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng.
Cụ thể như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn; không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... Trên một số tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.
Các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận có 4 làn đường xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến mà 4 - 5 km mới bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai sau thời gian dài khai thác, thu phí (từ năm 2014), mặc dù lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đoạn Yên Bái - Lào Cai vẫn chưa tiến hành đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt.
Bộ Công an cũng đánh giá tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, bất hợp lý. Cụ thể là thiếu người trực chốt, hệ thống hàng rào còn nhiều vị trí chưa khép kín nên người dân vẫn có thể vào đi bộ, đi xe mô tô, xe ba gác vào cao tốc, gia súc cũng đi trên cao tốc, như tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.