Được đặt tên Bản đồ Thiên hà Siena (SGA), bản đồ kỹ thuật số được tạo ra dựa trên dữ liệu của 3 cuộc khảo sát thiên văn từ năm 2014 đến 2017 do Đài thiên văn Liên Mỹ Cerro Tololo (CTIO) và Đài thiên văn quốc gia đỉnh núi Kitt (KPNO) thực hiện. Cả 3 cuộc khảo sát thuộc về Dự án Khảo sát Di sản DESI do đội ngũ thiên văn quốc tế triển khai.
Những bản đồ vũ trụ như thế này có thể hỗ trợ các nhà thiên văn học phát hiện những hình mẫu cho phép phân loại những phát hiện mới, như các ngôi sao bất ngờ lóe sáng trước khi biến mất.
Bên cạnh đó, bản đồ cũng tạo điều kiện để các nhà thiên văn học xác định được những ứng viên nghiên cứu tiềm năng kế tiếp. Và các kho dữ liệu kỹ thuật số này luôn được cập nhật những phát hiện mới nhất, đặc biệt trong kỷ nguyên hiện đại khi mà các công nghệ của kính viễn vọng tiếp tục được nâng cấp năng lực một cách nhanh chóng.
Điều khiến SGA khác biệt so với những dự án tương tự trước đó chính là độ chính xác đáng ghen tị của toàn bộ khối lượng dữ liệu được sử dụng, nhờ vào các hình ảnh được chụp bằng những cỗ máy hiện đại nhất hiện nay.
SGA cũng là bản đồ vũ trụ đầu tiên thu thập thông tin về ánh sáng của các thiên hà, chỉ dữ liệu mô tả cách thức biên độ sáng của một thiên hà thay đổi từ thời điểm sáng nhất (thường ở vị trí trung tâm) đến mờ nhạt nhất (ở rìa thiên hà).
"Những thiên hà lớn gần Dải Ngân hà quan trọng vì chúng ta có thể nghiên cứu chúng kỹ lưỡng hơn các thiên hà khác trong vũ trụ; chúng là láng giềng của chúng ta", Space.comdẫn lời trưởng dự án là giáo sư John Moustakas của Đại học Siena (Mỹ), trường đại học của Dòng tu Phan Sinh của đạo Công giáo.
"Chúng không những đẹp tuyệt, mà còn nắm giữ chìa khóa để hiểu biết cách thức các thiên hà hình thành và phát triển, bao gồm Dải Ngân hà của chúng ta", giáo sư Moustakas nhận xét.
Công chúng có thể truy cập vào SGA để thưởng thức những hình ảnh đầy choáng ngợp của các thiên hà láng giềng Dải Ngân hà ở địa chỉ https://sga.legacysurvey.org/.