Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/11 xuất hiện tại Tòa Thượng thẩm New York để nghe chất vấn trong vụ kiện gian lận tài chính do Tổng chưởng lý New York Letitia James khởi xướng. Vụ kiện dân sự này là một trong nhiều thách thức pháp lý mà ông Trump phải đối mặt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2024.
Bà James cáo buộc ông Trump cùng các đồng sự,ộcđấukhẩucủaôngTrumpởtòaánổ hũ Money tree trong đó có hai người con trai, đã thổi phồng giá trị tài sản của Tập đoàn Trump trong nhiều năm để ký các hợp đồng ưu đãi từ ngân hàng và công ty bảo hiểm tại New York. Nếu thua kiện, Trump cùng các con có thể bị phạt tới 250 triệu USD và đối mặt nguy cơ bị cấm kinh doanh ở New York.
Phiên tòa mở đầu khá êm ả khi Trump bình tĩnh trả lời các câu hỏi từ thẩm phán, luật sư và các công tố viên. Nhưng đến giữa buổi sáng, cựu tổng thống trở nên kích động hơn và tung ra những lời lẽ chống lại cả tòa án và cơ quan công tố.
Ông chỉ tay vào thẩm phán Arthur Engoron, chủ tọa phiên tòa, cho rằng thẩm phán có thái độ "rất thù địch" với mình trong phiên xét xử mà ông cho là "can thiệp bầu cử".
"Tôi chắc chắn thẩm phán sẽ ra phán quyết bất lợi cho tôi, bởi vì ông ấy luôn ra phán quyết chống lại tôi", cựu tổng thống nói. Thẩm phán Engoron từng tuyên phạt Trump hai lần vì công kích thư ký tòa, vi phạm quy định cấm phát ngôn xúc phạm nhân viên tòa án.
Trước đó, thẩm phán này cũng cho rằng Tổng chưởng lý James đã cung cấp "bằng chứng thuyết phục" cho thấy ông Trump đã thổi phồng giá trị tài sản ròng của mình thêm 17-35%, tương đương 812 triệu-2,2 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021 để ký những hợp đồng có lợi hơn với công ty bảo hiểm và ngân hàng.
Trump lớn tiếng với thẩm phán rằng ông "không biết gì về tôi", trước khi quay sang Tổng chưởng lý James rồi nói tiếp "ông chỉ tin vào kẻ thao túng chính trị ngồi ở đó".
Ông tiếp tục lặp lại những tuyên bố quen thuộc về giá trị tài sản của mình. Trump khẳng định khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago được định giá từ một đến 1,5 tỷ USD, trong khi các chuyên gia cho rằng tuyên bố này rất đáng ngờ. Chính quyền hạt Palm Beach, nơi có bất động sản này, chỉ định giá nó khoảng vài chục triệu USD.
Về cáo buộc ông thổi phồng giá trị tài sản để thu lợi, Trump nhấn mạnh không có bất kỳ nạn nhân nào trong trường hợp này.
"Tiền không bị mất. Ngân hàng kiếm được rất nhiều tiền và mọi người đang cố gắng tìm hiểu tại sao các ngài lại làm điều này", ông nói, một lần nữa biến mình thành nạn nhân.
Nhưng một nhân chứng tuần trước đã làm chứng rằng Trump trên thực tế đã hưởng lợi, bởi ông sẽ phải trả lãi suất cao hơn nhiều nếu không phóng đại tài sản của mình. Ông đã khiến các ngân hàng thiệt hại khoảng 168 triệu USD và đây cũng chính là khoản thu lợi bất chính mà Trump có được, theo lập luận từ Tổng chưởng lý James.
Cựu tổng thống đáp trả rằng cáo trạng của Tổng chưởng lý James là một phần trong kế hoạch "vũ khí hóa" chính phủ và tòa án. Ông không trả lời thẳng vào câu hỏi của công tố viên và thẩm phán mà liên tục đưa ra những lời bào chữa, cáo buộc phiên xét xử là "bất công, điên rồ" và tòa án "mới là kẻ gian lận".
Thẩm phán Engoron nhiều lần khiển trách Trump vì đưa ra quan điểm chính trị thay vì trả lời câu hỏi. Ông yêu cầu các luật sư biện hộ cho Trump "kiềm chế" thân chủ của mình, thậm chí đe dọa sẽ có hành động quyết liệt hơn nếu cựu tổng thống không tuân thủ quy định của tòa.
Có thời điểm, Engoron thậm chí nói sẽ coi Trump như một nhân chứng và "rút ra mọi suy luận tiêu cực có thể" từ lời khai của ông, ngụ ý rằng cựu tổng thống không thể tự bào chữa cho mình vì không đủ khả năng.
"Trump dường như đang bỏ qua việc tự bào chữa cho mình tại tòa, thay vào đó cố gắng hướng sự chú ý sang những người khác trong quá trình tố tụng", bình luận viên Aaron Blake từ Washington Post nhận định.
"Trump thực sự nghĩ rằng các cơ quan tố tụng đang chống lại mình", Blake cho hay. "Ông ấy nhận ra bản thân không có khả năng phòng thủ tốt và đã quay lại với chiến lược công kích những người đang dò xét ông, tạo cảm giác ông là người bị ngược đãi".
"Đây không phải một cuộc vận động chính trị", thẩm phán Engoron khuyên Trump tại phiên tòa. Nhưng đối với cựu tổng thống, mọi thứ đều có thể được quy về chính trị.
Theo giới quan sát, cuộc đối đáp gay gắt của Trump tại tòa rõ ràng không nhằm gây thiện cảm với thẩm phán, mà hướng tới những mục đích chính trị xa hơn và xây dựng nền tảng cho những phiên tòa mà ông sẽ đối mặt trong tương lai, với các cáo buộc hình sự nghiêm trọng hơn.
Trump đã biến phòng xử án thành một "sân khấu" diễn thuyết, nơi ông dường như thách thức thẩm phán bằng cách nói những điều có lẽ sẽ không bao giờ được chấp nhận đối với các bị cáo khác.
Dù thẩm phán Engoron có những lúc thể hiện sự tức giận và đe dọa sẽ trừng phạt Trump, ông rốt cuộc vẫn tránh có hành động nghiêm khắc với cựu tổng thống.
Một phần những gì cựu tổng thống Trump đạt được sau cuộc đấu khẩu là tạo ra ấn tượng rằng ông sẽ phản kháng quyết liệt tại bất cứ phiên tòa nào và sẽ không trở thành một mục tiêu dễ bị kiểm soát, bình luận viên Blake lưu ý.
"Hành động cáo buộc thẩm phán và Tổng chưởng lý đối xử bất công không mang lại lợi ích gì cho Trump về mặt pháp lý", Carl Tobias, giáo sư luật tại Đại học Richmond, bang Virginia, bình luận. "Bằng cách không hợp tác tại tòa, Trump dường như muốn thu được lợi ích về chính trị".
Jonathan Turley, giáo sư luật từ đại học George Washington, Trump dường như không quan tâm đến tính logic trong những lời khai tại tòa, mà chỉ muốn gửi thông điệp đến công chúng, với hy vọng điều đó sẽ giúp tăng thêm mức độ nổi tiếng của ông.
"Có hai thứ đã diễn ra trong phòng xử án. Tổng chưởng lý James muốn cấm Trump kinh doanh ở New York, còn cựu tổng thống lại muốn biến nó thành sân khấu chính trị phục vụ mục đích tái tranh cử", Turley cho hay.
"Cả hai đều có thể thành công", ông nói thêm. "Tổng chưởng lý James dường như thuyết phục được thẩm phán, trong khi Trump thu được sự ủng hộ lớn hơn từ công chúng bằng chiến thuật biến mình thành nạn nhân".
Vũ Hoàng(Theo Financial Times, Washington Post, Fox News)